Website Trường Mầm Non Đại Hòa – Đại Lộc – Quảng Nam

SKKN- Đề tài: Một số biện pháp tổ chức tốt hoạt động khám phá khoa học ở lớp mẫu giáo 5 – 6 tuổi- Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Phương- Giáo viên trường MN Đại Hòa

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN YÊU CẦU CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN.
Kính gửi: Hội đồng sáng kiến kinh nghiệm Trường mầm non Đại Hòa
Tôi ghi tên dưới đây:
Họ và tên Ngày tháng năm sinh Nơi công tác Chức danh Trình độ chuyên môn Tỉ lệ (%)đóng góp vào việc tạo ra sáng kiến.
Nguyễn Thị Thanh Phương
01/05/1985 Trường Mầm non Đại Hòa Giáo viên Đại học SP Mầm non
100%
Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến:“Một số biện pháp tổ chức tốt hoạt động khám phá khoa học ở lớp mẫu giáo 5 – 6 tuổi”.
1. Chủ đầu tư áp dụng sáng kiến: Nguyễn Thị Thanh Phương
2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục mầm non.
3. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu: 7/10/2022.
4. Mô tả bản chất của sáng kiến:
Khoa học không chỉ là kiến thức mà còn là quá trình hay con đường tìm hiểu, khám phá thế giới vật chất. Khoa học với trẻ nhỏ là quá trình khám phá thế giới tự nhiên, tích cực tham gia hoạt động thăm dò, tìm hiểu thế giới tự nhiên. Ở giai đoạn này, giáo viên không nhất thiết phải dạy hoặc giải thích những kiến thức khoa học cho trẻ mà chủ yếu là giúp trẻ suy nghĩ nhiều hơn về những gì chúng nhìn thấy và đang làm, kích thích trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán các sự vật, hiện tượng xung quanh và thảo luận, chia sẻ điều trẻ nhìn thấy, điều trẻ nghĩ hoặc điều còn băn khoăn, thắc mắc.

4.1.Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết:
Trẻ em là tương lai, là nền móng của dân tộc là sự phát triển tiến bộ của Quốc gia. Chính vì vậy, công tác chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi Mầm non là vô cùng quan trọng đối với từng cá nhân trẻ. Trong năm học 2022- 2023 tôi được nhà trường phân công phụ trách lớp mẫu giáo lớn của trường. Số lượng trẻ ra lớp là 30 học sinh.
* Thuận lợi:
– Luôn được sự chỉ đạo sâu sát của Phòng giáo dục và đào tạo thị xã Điện Bàn, sự quan tâm giúp đỡ tận tình của Ban giám hiệu nhà trường và các bạn đồng nghiệp.
– Theo quan điểm hiện nay thì hình thức tổ chức dạy học cho trẻ là thông qua các hoạt động tự nhiên của trẻ, đưa vào các chủ đề, thực hiện mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoạt động rất thuận tiện mà lại nhẹ nhàng, không gò bó đối với trẻ, lấy trẻ làm trung tâm…
– Trẻ ngoan ngoãn, mạnh dạn, hồn nhiên đi học chuyên cần.
– Phòng học rộng rãi, thoáng mát, được trang trí phù hợp với từng chủ đề.
– Các góc trong lớp được bố trí phù hợp.
– Đồ dùng, đồ chơi được trang bị đầy đủ phục vụ cho các hoạt động.
* Khó khăn:
– Địa bàn trường gần khu công nghiệp nên có một số cháu con công nhân từ nơi khác đến và xin nhập học. Cháu chưa qua lớp mẫu giáo bé và mẫu giáo nhỡ nên chưa quen với các hoạt động của trường cũng như ở lớp
4.2. Nội dung đã cải tiến, sáng tạo để khắc phục những nhược điểm của giải pháp đã biết:
Đối với trẻ khám phá khoa học là khám phá về các bộ phận của cơ thể con người, khám phá về đồ vật và chất liệu, khám phá về thực vật, động vật, về một số hiện tượng tự nhiên… Như vậy, giáo viên phải làm thế nào để thực hiện hoạt động khám phá khoa học một cách có hiệu quả. Trẻ nhỏ học chủ yếu thông qua chơi, qua tự mày mò, khám phá. Vì vậy, để tổ chức tốt hoạt động này giáo viên cần sắp xếp phòng học và môi trường hoạt động sao cho kích thích trẻ hoạt động, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, dành phần lớn thời gian tự học qua chơi, thông qua hoạt động ở các góc học tập và nhiều hoạt động khác của trẻ diễn ra hàng ngày.
Hoạt động khám phá khoa học là hoạt động khó, đòi hỏi trẻ phải có một số kĩ năng đó là: quan sát, so sánh, phân loại, đo lường, thử nghiệm, dự đoán, suy luận…Những kỹ năng này sẽ được hình thành qua quá trình trẻ được trải nghiệm. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt hoạt động này cho trẻ thì giáo viên cần phải nắm vững một số khái niệm và kĩ năng trong khám phá khoa học cần hình thành cho trẻ và một số hoạt động cụ thể cho trẻ tìm hiểu.
Tuy nhiên, đối với hoạt động này một số giáo viên mầm non chưa thật sự nắm vững được những khái niệm và kĩ năng trong khám phá khoa học. Học sinh chưa thật sự hứng thú với hoạt động này. Đây là một trong những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện cần được giải quyết. Từ những lí do trên, tôi quyết định chọn đề tài “Một số biện pháp tổ chức tốt hoạt động khám phá khoa học ở lớp mẫu giáo lớn”.
Khám phá khoa học không phải là những thông tin đơn lẻ mà giáo viên cung cấp cho trẻ, mà khám phá khoa học là tìm hiểu thế giới thực và trải nghiệm hàng ngày của trẻ: trẻ băn khoăn về những cơn gió thổi, về những chiếc lá rơi, về con mèo con nghịch ngợm…. Khám phá khoa học là quá trình, là cách tìm hiểu thế giới, cách đặt các câu hỏi và cách giải quyết vấn đề. Như vậy, khám phá khoa học đối với trẻ là cảm giác băn khoăn và phấn khích của chúng về thế giới. Trẻ không suy nghĩ một cách trừu tượng mà phải được trải nghiệm cụ thể, thực tế, được thao tác với đối tượng, nếu không thì trẻ sẽ không hiểu. Trẻ khám phá khoa học qua sử dụng các giác quan. Chúng phải được nhìn, được nghe, được sờ, được nếm, được ngửi và sử dụng cơ bắp để khám phá, thử nghiệm, tìm hiểu thế giới xung quanh.
4.3 Các điều kiện, phương tiện cần thiết để thực hiện và áp dụng giải pháp:
Trong quá trình thực hiện các giải pháp trên, tôi đã có được các điều kiện, phương tiện cần thiết sau:
– Nhà trường đã cung cấp đầy đủ các tài liệu, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động khám phá khoa học nói chung.
– Đa số các cháu chăm ngoan, có tinh thần tích cực, tự giác trong các hoạt động.
– Phụ huynh quan tâm, phối hợp với giáo viên trong việc chuẩn bị những dụng cụ học tập các cháu.
4.4. Các bước thực hiện giải pháp, cách thức thực hiện giải pháp:
Giáo dục hoạt động khám phá khoa học cho trẻ mẫu giáo góp phần quan trọng trong chiến l¬ược con ng¬ười, tạo ra một lớp ngư¬ời mới có sự hiểu biết đầy đủ về vấn đề hoạt động, biết thực hiện một cách thông minh và sáng tạo để đảm bảo nhận thức về thế giới xung quanh. Công tác này đựơc triển khai đến các bậc phụ huynh, qua đó họ đã tự nguyện phối hợp cùng nhà trường trong việc cho trẻ làm quen với hoạt động khám phá khoa học. Tôi đã thực hiện các biện pháp sau:
Biện pháp 1: Tổ chức môi trường cho trẻ hoạt động:
Môi trường cho trẻ hoạt động khám phá khoa học cần có những đồ dung:
+ Kính phóng đại, cân, nam châm, gương.
+ Các con vật nuôi, bể cá.
+ Cây, các hạt giống và bình tưới.
+ Các bộ sưu tập của trẻ: lá, hoa, côn trùng…
+ Bảng theo dõi thời tiết hàng ngày.
+ Thước kẻ, thước dây.
+ Bàn chơi nước: chai trong suốt, dụng cụ chứa nước, đong nước, các vật nổi hoặc chìm trong nước…
Với cách học tự nhiên của trẻ giáo viên cần tạo môi trường hấp dẫn, phong phú với những thứ cho trẻ nhìn, sờ, nếm, ngửi và nghe. Người lớn muốn trẻ học gì, khám phá chủ đề nào, rèn kĩ năng nào thì tạo môi trường với đồ dùng, đồ chơi giúp trẻ học kiến thức, kĩ năng đó.
Đối với họat động khám phá hoa học cho trẻ 5 – 6 tuổi có các hoạt động:
– Khám phá về một số các bộ phận của cơ thể con người
– Khám phá về đồ vật và chất liệu
– Khám phá về thực vật, động vật, về một số hiện tượng tự nhiên…
* Khám phá khoa học về các bộ phận cơ thể người:
– Tạo môi trường cho trẻ rèn luyện, luyện cơ bắp thì cần có các thiết bị ngoài trời cho trẻ leo trèo, chạy nhảy, chui, luồn….
– Sử dụng kính lúp cho trẻ quan sát, so sánh điểm giống và khác nhau của da, móng tay, móng chân, bàn tay của từng bạn. So sánh tay bẩn, tay sạch, từ đó biết vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
– Trẻ nghe băng thu giọng nói của bạn, của bản thân trẻ để phát hiện ra giọng nói của ai….
* Khám phá khoa học về đồ vật, chất liệu:
– Với hoạt động khám phá khoa học về đồ vật chất liệu chủ yếu được tổ chức ở các chủ đề “Bản thân”, “Gia đình”, “Trường mầm non”, “Phương tiện giao thông” và tiếp tục mở rộng ở các chủ đề khác trong suốt năm học để giúp trẻ khám phá đặc điểm, công dụng, cách sử dụng, mối liên hệ đơn giản giữa đặc điểm của các chất liệu gỗ, nhựa, vải, ni lông….
– Hoạt động này trẻ có thể chơi ở góc đóng vai: trẻ so sánh, phân loại các đồ dùng gia đình, đồ chơi bằng kim loại, bằng gỗ, bằng nhựa. Hoặc trẻ làm cô giáo cho các bạn kể chuyện, hát, đọc thơ, câu đố về công dụng, chất liệu của các đồ dùng, đồ chơi.
+ Ở góc thiên nhiên: qua hoạt động, xới đất, tỉa cành trẻ biết so sánh, phân loại các đồ dùng theo công dụng
+ Ở góc học tập có thể chơi với nam châm, nam châm có thể hút được những vật làm bằng gì? Không hút những vật gì?
+ Ở góc xây dựng: trẻ xây những công trình thì cần có những vật liệu gì trẻ phải nói, thể hiện trong khi chơi.
Ví dụ: Kỹ sư nói: Muốn có hồ để xây hãy lấy xi măng trộn với cát, thêm nước vào trộn đều thì được hồ để xây….
* Khám phá khoa học về thực vật:
– Để khơi dậy tính tò mò tự nhiên, tạo cơ hội cho trẻ khá phá về đặc điểm nổi bật, lợi ích của cây cối, điều kiện sống của cây và một vài mối liên hệ đơn giản giữa cây với môi trường sống, cách chăm sóc, bảo vệ chúng, đồng thời trau dồi óc quan sát, so sánh, nhận xét và phán đoán của trẻ, hình thành ở trẻ tình cảm, thái độ đúng đắn với cây cỏ, hoa lá. Có thể tổ chức các hoạt động sau đây cho trẻ:
+ Quan sát góc thiên nhiên ở lớp trẻ sẽ biết quá trình lớn lên của cây, muốn cây phát triển thì phải tưới nước, bón phân, phải có ánh sáng…
+ Quan sát, gọi tên, so sánh, nhận xét, thảo luận sự giống nhau và khác nhau (về màu sắc, kích thước, hình dạng, cấu tạo….) rõ nét của một số cây.
+ Chơi đoán cây qua lá, thu nhặt lá, hoa, quả, hạt.
+ Phân loại cây, lá hoa, quả theo 2 – 3 dấu hiệu rõ nét về màu sắc, kích thước. Quan sát, theo dõi sự lớn lên của cây.
+ Thử nghiệm gieo hạt đậu vào chậu và theo dõi sự lớn lên của cây, phán đoán các điều kiện sống của cây.
* Khám phá khoa học về động vật:
– Để khơi dậy tính tò mò tự nhiên, tạo cơ hội cho trẻ khám phá về đặc điểm nổi bật, ích lợi của các con vật quen thuộc, môi trường sống, cách chăm sóc, bảo vệ chúng, đồng thời trau dồi óc quan sát, so sánh, nhận xét và phán đoán của trẻ, hình thành tình cảm, thái độ đúng đắn đối với các con vật có thể tổ chức các hoạt động sau:
+ Quan sát, gọi tên, so sánh, nhận xét và thảo luận sự giống nhau và khác nhau rõ nét giữa một số con vật nuôi trong gia đình, động vật sống trong rừng, động vật sống dưới nước, một số loại côn trùng.
+ Quan sát, phán đoán, suy luận một số mối quan hệ đơn giản giữa đặc điểm cấu tạo và môi trường sống, vận động và cách kiếm mồi của các con vật.
+ Cho các con vật nuôi ăn rồi quan sát, thảo luận.
* Khám phá khoa học về một số hiện tượng tự nhiên:
– Để tạo cơ hội cho trẻ khám phá các hiện tượng thời tiết theo mùa và thứ tự các mùa (sự thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày của con người và cây cối, con vật theo mùa, sự khác nhau giữa ngày và đêm …) đặc điểm lợi ích của nước, ánh sáng, không khí đối với đời sống con người… cô cần tận dụng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để tổ chức cho trẻ các hoạt động như:
+ Quan sát, thảo luận, nhận xét các hiện tượng thời tiết: nắng, mưa, nóng, lạnh, gió hàng ngày và ghi vào bảng thời tiết ở lớp.
+ Thảo luận sự khác nhau giữa các mùa và thứ tự các mùa.
+ Quan sát các nguồn nước, ánh sáng nơi trẻ sống.
+ Thảo luận nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và cách bảo vệ.
+ Chơi, thử nghiệm với cát, nước để trẻ cảm nhận một vài đặc điểm, tính chất của nước, không khí…
Với cách tổ chức môi trường cho trẻ hoạt động phong phú, hấp dẫn với các đồ dùng đồ chơi, học qua chơi, qua thao tác với đồ vật, qua quan sát, bắt chước, qua thí nghiệm, thử nghiệm giúp trẻ lĩnh hội được những kiến thức, kĩ năng về khoa học và nhận thức thế giới xung quanh.
Biện pháp 2: Tận dụng cơ hội trong các giờ hoạt động để trẻ khám phá:
Trong các hoạt động của trẻ ở trường, giáo viên luôn quan sát, chú ý tới trẻ, nhạy cảm với các cơ hội học tập đến một cách ngẫu nhiên và đừng bỏ qua thời cơ để hướng dẫn trẻ.
Ví dụ: Giờ hoạt động ngoài trời một trẻ phát hiện thấy một con chuồn chuồn đang đậu trên cây, trẻ reo lên vì phát hiện ra con chuồn chuồn. Lúc này cô và trẻ có thể nhẹ nhàng tới gần quan sát, cô tận dụng cơ hội này đặt những câu hỏi cho trẻ trả lời. Những câu hỏi vì sao? Tại sao? Như thế nào?…luôn kích thích sự tư duy của trẻ để tìm ra câu trả lời.
Với cách làm này, không phải giáo viên nào cũng nhận ra và tận dụng cơ hội để hướng dẫn trẻ. Nó đòi hỏi giáo viên phải có sự nhạy cảm, linh hoạt, kinh nghiệm của mình.
Biện pháp 3: Tăng cường những hoạt động thử nghiệm và bố trí không gian, thời gian phù hợp cho trẻ thực hiện:
Trong hoạt động khám phá khoa học giáo viên tăng cường làm những thử nghiệm cho trẻ trải nghiệm, suy luận, phán đoán sự vật hiện tượng. Được trực tiếp làm thử nghiệm với các vật mà mình đang học quả là một điều thích thú đối với trẻ. Thật vậy, cứ để cho cháu được hoạt động, được trải nghiệm, được thử sai và cuối cùng cháu tìm ra một kết quả nào đó sẽ là một điều lý thú đối với trẻ.
Mỗi khi trẻ khám phá ra điều gì, ta cho trẻ ghi kết quả bằng kí hiệu mà cô và cháu đã thỏa thuận để dễ kiểm tra. Khi thử nghiệm thành công, tôi thấy trên khuôn mặt các cháu lộ rõ vẻ thích thú, phấn khởi vô cùng và có những nhóm đã reo hò ầm ĩ. Với hoạt động này tôi thấy vui và các cháu thực sự chủ động khi làm công việc thử nghiệm. Lại thêm một lần nữa tôi đã tác động vào các cháu tính tự tin, tự lập, tự suy nghĩ, tự tìm ra kết quả nhanh nhất để hoàn thành công việc mình đang làm.
Tôi đã lựa chọn những thử nghiệm đưa vào các chủ đề sao cho phù hợp.

Stt Chủ đề
Nội dung cho trẻ thử nghiệm

1 Gia đình Thử nghiệm: “Chơi với nam châm”
– Trẻ biết được những vật gì bị nam châm hút, những vật gì nam châm không hút.
– Cho trẻ đoán nếu để nhiều nam châm với nhau thì chúng sẽ hút được nhiều vật hơn hay ít hơn?
2 Thực vật Thử nghiệm: “Gieo hạt”
– Cô cho trẻ gieo hạt giống vào các chậu khác nhau. Trẻ quan sát, theo dõi sự lớn lên của cây.
– Các hạt giống có mọc lên cùng một lúc không? Vì sao? Điều gì xảy ra với những chậu không tưới nước và những chậu được tưới thường xuyên, những chậu để trong bóng tối?
3 Nước và hiện tượng tự nhiên Thử nghiệm: “Vật nổi vật chìm”
– Cho trẻ bỏ những đồ vật bằng nhựa, bằng gỗ, cục sỏi vào nước.
– Quan sát xem vật nào nổi, vật nào chìm? Trẻ đưa ra phán đoán vì sao vật lại nổi, vật lại chìm?
Thử nghiệm: “Nước chảy đi đâu”
– Đục các lỗ to, nhỏ khác nhau ở các vị trí cao, thấp khác nhau của chai nhựa trong suốt.
– Đổ đầy nước vào chai và cho trẻ quan sát các tia nước chảy từ các lỗ khác nhau. Sau đó yêu cầu trẻ nhận xét

Thử nghiệm: “Cái gì thấm nước”
– Chọn một số vật liệu khác nhau như: lá cây, vài miếng vải nhỏ, giấy, túi ni lông, cát đựng trong khay…
– Cho trẻ nhỏ vài giọt nước vào các vật liệu này và quan sát xem cái gì thấm nước, cái gì không thấm nước?
– Trẻ thảo luận với nhau những điều quan sát được.
4 Động vật Thử nghiệm: “Bộ sưu tập côn trùng”
– Bắt các con chuồn chuồn, kiến, châu chấu, bướm, cánh cam… cho từng loại vào các chai nhựa trong suốt khác nhau và đậy nắp lại.
– Cho trẻ quan sát và so sánh cấu tạo của từng con (màu sắc, chân, râu, cánh…)
– Cho trẻ tìm hiểu ích lợi, tác hại, thức ăn, nơi sống…của chúng và chia sẻ với các bạn.

– Tuy nhiên để thực hành những thử nghiệm không nhất thiết phải ở trong lớp, phải trong giờ hoạt động học. Tùy vào từng thử nghiệm mà ta có thể thực hiện ở những không gian sao cho phù hợp.
* Trong giờ hoạt động học:
– Trong giờ hoạt động học đối với những thử nghiệm cần phải có sự tập trung quan sát lâu và đặt ra câu hỏi để trả lời. Ví dụ như thử nghiệm “Trứng nổi trứng chìm”, “Sự hút nước của cây”, “các lớp chất lỏng”….
* Trong giờ hoạt động ngoài trời:
– Có những thử nghiệm chúng ta có thể thực hiện khi cho trẻ hoạt động ngoài trời như “Làm thế nào để quần áo khô” hoặc “Cây cần ánh sáng”.
– Ví dụ như: “Nước trong khăn bay đâu mất rồi”. Trong thử nghiệm này cô giặt một vài khăn ướt, dẫn trẻ xuống sân trường cho trẻ quan sát thời tiết và trò chuyện với trẻ làm thế nào để quần áo, khăn…có thể khô? Cho trẻ thực hành phơi những khăn ướt lên giá và để ngoài ánh nắng. Cô tiếp tục cho trẻ hoạt động tự do trên sân đến cuối buổi chơi cho trẻ đoán xem cái khăn bây giờ như thế nào? Cho trẻ sờ và trả lời câu hỏi của cô, rút ra kết luận gì khi thực hiện thí nghiệm này. Khi thực hiện ngoài trời như vậy vừa phù hợp với yêu cầu của thí nghiệm là phải cần ánh sáng thì khăn mới khô, vừa tạo cho trẻ phát triển thể lực, sự thay đổi môi trường để những hoạt động tiếp theo đạt kết quả tốt.
* Trong giờ hoạt động góc
– Cho trẻ thực hiện thử nghiệm với những nhóm chơi nhỏ như góc học tập trẻ khám phá với nam châm qua trò chơi “câu cá”, “nam châm sẽ hút gì”, “kẹp ghim giấy leo trèo”…
– Góc thiên nhiên trẻ có thể gieo hạt vào những cái chậu nhỏ và quan sát sự nảy mầm của cây vào những ngày tiếp theo.
* Trong giờ hoạt động chiều.
– Đối với những thử nghiệm cần có thời gian mới cho kết quả
Ví dụ như: thử nghiệm “Nhuộm màu cho hoa”. Cô giáo tiến hành thử nghiệm vào buổi sáng và cho trẻ quan sát, đặt câu hỏi, rút ra kết luận về sự hút nước của cây vào hoạt động chiều. Như vậy trong một ngày trẻ có thể thực hiện nhiều hoạt động khác vừa có thể quan sát từ từ sự thay đổi của màu hoa, tạo cho trẻ sự chú ý tư duy, sự thích thú khám phá.
Việc bố trí không gian và thời gian để thực hành những thử nghiệm sao cho phù hớp với trẻ và tình hình của lớp để đạt kết quả là rất quan trọng.
Biện pháp 4: Giáo viên trang bị kiến thức về khoa học:
– Đối với trẻ mẫu giáo sự vật hiện tượng xung quanh trẻ luôn mới lạ, luôn hấp dẫn trẻ, luôn tạo sự tò mò và khám phá nơi trẻ. Những câu hỏi tại sao? vì sao? cái gì? luôn được đặt ra cho người lớn trả lời. Hoạt động phám phá khoa học thực sự là một thế giới bí ẩn luôn tạo cho trẻ sự ngạc nhiên, sự thích thú khi tìm hiểu. Tuy nhiên, để có thể thực hiện hoạt động khám phá khoa học cho trẻ trải nghiệm tôi phải luôn tìm tòi, phải có sự hiểu biết và chuẩn bị những kiến thức cơ bản về tính chất của sự vật, hiện tượng để có thể trả lời câu hỏi của trẻ đặt ra một cách chính xác. Những kiến thức này tôi đã tìm ở sách, báo, trên mạng Internet, ở bạn bè và đồng nghiệp.
– Ngoài ra, để có thể thực hiện được những thử nghiệm cho trẻ quan sát, khám phá bản thân tôi phải thực hiện trước để kiểm chứng xem có đúng với lý thuyết mà tôi đã chuẩn bị hay không, để từ đó tôi có thể điều chỉnh cho phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ mầm non và việc phải chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết khi làm thử nghiệm cũng rất quan trọng.
Biện pháp 5: Tuyên truyền và kết hợp với phụ huynh:
– Xây dựng góc tuyên truyền với nội dung phong phú, hấp dẫn sự chú ý của phụ huynh.
– Thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của các cháu.
– Trong những thử nghiệm cần sự phối hợp của phụ huynh về tìm kiếm đồ dùng thì giáo viên có thể thông báo nhờ phụ huynh mang đến. Giáo viên có thể ghi mục đích, chuẩn bị, cách tiến hành thử nghiệm vào góc tuyên truyền để phụ huynh được biết. Từ đó phụ huynh có sự quan tâm đến con của mình hơn, đồng thời nắm bắt được chương trình hoạt động của các cháu ở lớp để có thể dạy trẻ tốt hơn khi ở nhà.
4.5.Chứng minh khả năng áp dụng của sáng kiến:
Trong quá trình thực hiện hoạt động khám phá khoa học cho trẻ ở lớp tôi phụ trách, tôi thấy trẻ rất hứng thú, phát triển khả năng tư duy cao. Trẻ biết đặt ra những câu hỏi “Tại sao” trước những hiện tượng lạ, từ đó thu nhận được những hiểu biết, những vốn kinh nghiệm nhất định để áp dụng trong đời sống hàng ngày. Hầu hết tất cả các trẻ đều háo hức chờ đón những giờ thử nghiệm, tập trung cao độ để quan sát hiện tượng xảy ra, kiên nhẫn chờ đón kết quả. Qua đó khơi gợi ở trẻ nhu cầu khám phá. Trẻ bắt đầu để ý những biến đổi của sự vật hiện tượng xung quanh, biết tự khám phá bằng nhiều giác quan và có sự trao đổi với cô, với bạn.
– Trẻ mạnh dạn tự tin trong các hoạt động
– Qua các hoạt động, trẻ tự làm tăng thêm vốn kiến thức cho mình qua việc làm đồ dùng.
– Hình thành ở trẻ những đức tính như cần cù, chăm lao động đoàn kết giúp đỡ bạn bè.
– Giáo dục trẻ có thái độ đúng với mọi người, với môi trường xung quanh nhất là những đồ dùng đồ chơi ở các góc.:
– Phụ huynh có sự quan tâm đến vấn đề học tập của con, đáp ứng những yêu cầu của giáo viên như tìm kiếm những đồ vật, dụng cụ đem tới trường cho trẻ thực hành thử nghiệm. Phụ huynh có thêm những kiến thức để giải đáp thắc mắc cho trẻ thông qua góc tuyên truyền của lớp.
5. Những thông tin cần được bảo mật(nếu có): không
6. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:
Qua 1 năm áp dụng những biện pháp thu được những kết quả tích cực trên trẻ, tôi càng nỗ lực học hỏi, tìm hiểu và mong ứng dụng được nhiều hơn những tri thức về khoa học trong công tác giảng dạy của mình. Những điều kì thú trong khoa học vô cùng phong phú, song không phải bất cứ hiện tượng khoa học vui nào cũng có thể ứng dụng trong việc dạy trẻ mầm non. Việc lựa chọn nội dung cũng như thực hiện những thử nghiệm khoa học phải đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với lứa tuổi. Chính vì vậy, mà tôi đã đưa ra “Một số biện pháp tổ chức tốt hoạt động khám phá khoa học ở lớp mẫu giáo lớn” đạt hiệu quả.
+ Đối với giáo viên:
– Kiến thức về hoạt động khám phá khoa học được mở rộng.
– Bản thân thêm linh hoạt hơn khi tổ chức các trò chơi cho trẻ.
– Có thêm nhiều đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho hoạt động học cũng như hoạt động vui chơi của trẻ.
– Có sự sáng tạo trong mỗi hoạt động, luôn có sự đổi mới trong phương pháp dạy trẻ
+Đối với trẻ:
– 100% trẻ luôn sẵn sàng, hứng thú tham gia vào hoạt động làm quen văn học.
– 100% trẻ được mở rộng kiến thức, phát triển trí thông minh của mình.
– 95% trẻ mạnh dạn, tự tin trong các hoạt động.
– 95% trẻ ngày càng có kỹ năng quan sát tốt, biết suy đoán, phán đoán nhằm tìm ra một kết quả chính xác.
– Tinh thần tập thể của trẻ cũng được nâng cao, biết đoàn kết quan tâm chia sẻ cùng nhau.
– Phát huy hết khả năng của từng trẻ, hầu hết trẻ biết sử dụng đồ dùng trực quan cho hoạt động làm quen .
7. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến
Không chỉ khám phá trong góc khoa học hoặc trong các hoạt động khoa học mà cháu còn khám phá, áp dụng và phát hiện được rất nhiều điều qua các môn học khác.
– Qua các hoạt động, trẻ tự làm tăng thêm vốn kiến thức cho mình qua việc làm đồ dùng.
– Hình thành ở trẻ những đức tính như cần cù, chăm lao động đoàn kết giúp đỡ bạn bè.
– Giáo dục trẻ có thái độ đúng với mọi người, với môi trường xung quanh nhất là những đồ dùng đồ chơi ở các góc.:
– Bản thân tôi có thêm nhiều kiến thức về khoa học để dạy cho trẻ và chia sẻ cho đồng nghiệp trong trường.
– Giáo viên yêu nghề mến trẻ, có năng lực sư phạm, nắm chắc chuyên môn.
– Đồ dùng dạy trẻ phong phú, sáng tạo, hấp dẫn.
– Luôn tạo được môi trường cho trẻ hoạt động phong phú.
– Tạo cơ hội cho tất cả các trẻ được tham gia hoạt động.
– Chất lượng trên trẻ được nâng cao rõ rệt.
8. Danh sách những người tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng sáng kiến lần đầu:
TT Họ tên Ngày tháng năm sinh Nơi công tác Chức danh Trình độ chuyên môn Nội dung công việc hổ trợ
1 Nguyễn Thị Hồng Châu 20/09/1990 Trường Mầm non Đại Hòa Giáo viên Đại học mầm non Tạo hứng thú cho trẻ 5-6 tuổi lớp lớn 3 trường Mầm non Đại Hòa thực hiện tốt hoạt động khám phá khoa học”.
Với những kinh nghiệm của bản thân cùng với những hiệu quả thu được sau áp dụng, tôi mạnh dạn nêu ra sáng kiến của mình. Tôi xin cam đoan mọi thông tin trình bày trong đơn là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tôi xin chân thành cảm ơn! Đại Hòa, ngày 10 tháng 03 năm 2023
Xác nhận đề nghị của Người nộp đơn
cơ quan đơn vị tác giả công tác

Nguyễn Thị Thanh Phương

Cảm nhận của Phụ huynh

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu – Phụ huynh bé: Nguyễn Huỳnh Linh Đan – Lớp lớn

Con tôi rất nhút nhát, do công việc bận rộn gia đình cũng không có thời gian để tạo điều kiện cho bé thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên bé ngại giao tiếp hơn. Do đó khoảng thời gian đầu cho bé đi học là quãng thời gian khó khăn cho cả bé và gia đình. Tôi đã từng khóc khi thấy bé đứng thút thít do không thuộc những động tác thể dục buổi sáng… Thời gian trôi thật mau, giờ bé đã nên người và tự tin hơn rất nhiều, bé lại có thể phát huy được năng khiếu múa hát. Tất cả là nhờ sự yêu thương, gần gũi của các cô đã làm cho bé tìm được niềm vui khi đến lớp.