KỸ NĂNG TỰ PHỤC VỤ LÀ GÌ? GIÁO DỤC KỸ NĂNG TỰ PHỤC VỤ CHO TRẺ MẦM NON CẦN THIẾT NHƯ THẾ NÀO?
Kỹ năng tự phục vụ là gì? Vì sao cần phải dạy cho trẻ mầm non từ sớm? Hôm nay mời quý phụ huynh cùng tham khảo một số nội dung giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ MẦM NON
Kỹ năng tự phục vụ là cách bé tự chăm sóc bản thân, làm quen với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày mà không cần đến sự giúp đỡ của người lớn. Bố mẹ nên dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ từ sớm để con có thể chủ động và tự lập trong cuộc sống, dễ dàng thích nghi trong mọi hoàn cảnh.
kỹ năng tự phục vụ là gì?
Dạy bé kỹ năng tự phục vụ bằng cách cho bé hỗ trợ những công việc nhà với mẹ (Nguồn: aboutkidshealth)
2. Kỹ năng tự phục vụ cho trẻ theo từng lứa tuổi
Trẻ sẽ có các đặc điểm tâm – sinh – lý khác nhau qua từng giai đoạn phát triển. Vì vậy, khả năng có thể tự chăm sóc, phục vụ bản thân của bé cũng sẽ tùy thuộc vào từng lứa tuổi. Để dạy kỹ năng tự phục vụ cho trẻ hiệu quả, bố mẹ cần lưu tâm đến các phương pháp giảng dạy phù hợp với thời điểm phát triển của bé, cụ thể như sau:
Từ 12 đến 18 tháng tuổi: Trẻ có thể tự lựa chọn quần áo, rửa tay dưới sự hướng dẫn của bố mẹ, bắt chước mẹ cầm thìa, bát…
Từ 18 đến 24 tháng tuổi: Trẻ bắt đầu khám phá và tự làm những việc như: lấy thức ăn, xúc cơm, cầm cốc nước uống, đánh răng rửa mặt, gấp quần áo….
Từ 2 đến 3 tuổi: Trẻ có thể tự sử dụng giấy ăn, dọn bát đũa khi ăn xong cùng với bố mẹ, chải tóc hay đi giày, mặc quần áo cho bản thân…
Từ 3 đến 4 tuổi: Ở độ tuổi này, trẻ tiếp tục hoàn thiện những kỹ năng chăm sóc bản thân khó hơn như: tự buộc dây giày, cài cúc áo, tự tắm và dọn dẹp giường với sự hỗ trợ, hướng dẫn của bố mẹ.
Từ 4 đến 6 tuổi: Với độ tuổi sắp bước vào tiểu học, trẻ có thể thực hành nhiều kỹ năng chăm sóc bản thân khi không có bố mẹ: kỹ năng nấu ăn cơ bản, rửa trái cây, lau nhà…
3. Các kỹ năng tự phục vụ bản thân cho trẻ mầm non
Có rất nhiều kỹ năng tự phục vụ bé cần được học. Tuy nhiên, với lứa tuổi mầm non bố mẹ chỉ nên dạy trẻ các kỹ năng cơ bản và cần thiết nhất. Dưới đây là một số kỹ năng bố mẹ có thể tham khảo để rèn luyện cho con.
3.1. Kỹ năng tự ăn
Một trong những kỹ năng tự phục vụ quan trọng mà bố mẹ cần dạy con chính là kỹ năng tự ăn. Bố mẹ nên hướng dẫn con cầm muỗng đúng cách, đưa thức ăn gọn gàng… Ban đầu, có thể bé sẽ làm rơi vãi nhưng bố mẹ nên kiên nhẫn để con dần làm quen. Điều này trẻ sẽ cảm thấy háo hức và tự tin hơn khi ăn uống. Từ đó, trẻ sẽ hình thành những thói quen tốt, tự giác ăn uống hơn mỗi hàng ngày.
3.2. Kỹ năng tự uống nước
Bố mẹ nên hướng dẫn bé kỹ năng tự uống nước để khi đến trường con sẽ tự giác uống nước không cần sự nhắc nhở của người lớn. Phụ huynh có thể dạy bé các điều cơ bản như: Trẻ cầm cốc bằng tay thuận và lấy nước ở vòi, cách gạt vòi như nào cho đúng để nước không chảy ra ngoài. Ngoài ra, bố mẹ nên dặn trẻ chỉ lấy một lượng nước vừa đủ để uống, không lấy quá nhiều. Điều này giúp trẻ hình thành thói quen tiết kiệm và tránh lãng phí.
3.3. Kỹ năng đánh răng
Việc dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ bản thân trong sinh hoạt hàng ngày vô cùng cần thiết. Bố mẹ cần hướng dẫn con kỹ năng đánh răng theo các bước:
Lấy kem đánh răng: Con chỉ nên lấy lượng kem đánh răng vừa đủ và lựa chọn loại kem phù hợp với độ tuổi.
Cách đánh răng: Súc miệng với nước, sau đó dùng bàn chải đánh răng từ ngoài vào trong, từ hàm trên đến hàm dưới. Bé cần đánh răng theo vòng tròn để không làm hỏng men răng.
Làm sạch bề mặt lưỡi: trẻ cần dùng mặt sau của bàn chải và chải từ trong ra ngoài nhằm loại bỏ mảng bám trắng, vi khuẩn ở khoang miệng.
Súc miệng: Sau khi con đã đánh răng sạch, bố mẹ hướng dẫn con làm sạch kem đánh răng bằng cách súc miệng và rửa sạch bàn chải.
3.4. Kỹ năng rửa tay
Một trong những kỹ năng tự phục vụ bản thân bố mẹ cần dạy con càng sớm càng tốt chính là kỹ năng rửa tay. Qua đó, trẻ có thể hình thành tốt thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Kỹ năng này giúp con bảo vệ được sức khoẻ tốt hơn. Bố mẹ có thể hướng dẫn cho bé theo các bước như sau:
Làm ướt tay trước
Dùng xà phòng rửa tay lần lượt từ kẽ tay, bàn tay, cổ tay
Rửa sạch lại bằng nước và lau khô tay bằng khăn sạch
3.5. Kỹ năng thay quần áo
Tự thay quần áo cũng là một trong những kỹ năng tự phục vụ giúp hình thành nên tính cách tự lập cho bé. Có thể nhiều bố mẹ sẽ cảm thấy kỹ năng này hơi khó so với lứa tuổi mầm non của con. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn không đòi hỏi quá nhiều yêu cầu phức tạp mà chỉ cần có sự hướng dẫn chu đáo từ bố mẹ.
Để dạy trẻ biết tự thay quần áo, phụ huynh hãy chuẩn bị cho trẻ bộ quần áo dễ mặc như áo phông, váy, quần đũi… Bố mẹ hướng dẫn trẻ cách đưa tay trái cầm ống tay phải lên. Sau đó, con sẽ lấy tay phải luồn vào ống tay trái và cài cúc áo theo lần lượt (nếu có).
ng)
3.6. Kỹ năng gấp quần áo
Sau khi dạy con kỹ năng tự thay quần áo, bố mẹ cũng nên dạy con cách gấp quần áo nhằm giúp trẻ hình thành ý thức tự giác. Đầu tiên, bố mẹ chọn những bộ quần áo đơn giản, trải trên mặt sàn. Sau đó, hướng dẫn con gấp mặt hướng ra ngoài, gấp hai mép còn tay áo ra phía ngoài. Cuối cùng, trẻ sẽ gấp đôi lại và xếp ngay ngắn vào ngăn tủ. Phụ huynh có thể cùng thực hiện để con quen dần và tạo hứng thú, động lực nhiều hơn cho con.
3.7. Kỹ năng tự đi cầu thang
Khi cuộc sống phát triển, các tòa nhà cao tầng ngày càng được xây dựng nhiều hơn. Vậy nên, bố mẹ cần dạy kỹ năng tự đi cầu thang để đảm bảo an toàn cho con. Đối với cầu thang máy, bố mẹ nên hướng dẫn con ấn nút mở và ấn số tầng, đặc biệt không nên đứng quá gần cửa cầu thang máy. Còn đối với cầu thang bộ, bố mẹ hướng dẫn con cách đặt tay bám vào lan can, đi từng bước cẩn thận và chú ý không chen lấn xô đẩy khi đi cầu thang.
3.8. Kỹ năng để đồ vật đúng nơi
Đặt đồ đúng nơi quy định là một trong những thói quen tốt sau này giúp con tập thói quen ngăn nắp, sạch sẽ. Bố mẹ có thể hướng dẫn con bỏ balo đúng nơi quy định sau khi đi học về. Khi học ở nhà, bố mẹ dặn con cất sách vào ngăn tủ, đặt đồ chơi đúng nơi quy định… Điều này không chỉ tạo lập tính cách tốt cho bé mà còn giúp bố mẹ tiết kiệm được thời gian và công sức.
4. Một số lưu ý quan trọng trong giáo dục trẻ kỹ năng tự phục vụ
Để dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ hiệu quả và dễ hiểu, bố mẹ cần lưu ý một số điều sau:
Dạy càng sớm càng tốt: Việc dạy kỹ năng tự phục vụ cho trẻ bố mẹ nên thực hiện càng sớm càng tốt. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của con sau này.
Luôn động viên trẻ: Khi trẻ chưa hoàn thành tốt công việc được giao cũng như kỹ năng được dạy. Bố mẹ nên khuyến khích và động viên trẻ thay vì trách phạt hay so sánh với các bạn cùng lứa tuổi.
Cùng trẻ luyện tập mỗi ngày: Việc thực hiện các kỹ năng tự phục vụ đối với nhiều trẻ không dễ. Vì vậy, bố mẹ nên luyện tập cùng con mỗi ngày.
Nguồn: sưu tầm