HOẠT ĐỘNG: LÀM QUEN VĂN HỌC- CHỦ ĐỀ: BÉ VỚI LUẬT GIAO THÔNG ĐỀ TÀI: BÉ KỂ CHUYỆN SÁNG TẠO- LỨA TUỔI: 4-5 TUỔI- GIÁO VIÊN: LÊ THỊ NGỌC PHI
HOẠT ĐỘNG: LÀM QUEN VĂN HỌC
CHỦ ĐỀ: BÉ VỚI LUẬT GIAO THÔNG
ĐỀ TÀI: BÉ KỂ CHUYỆN SÁNG TẠO
LỨA TUỔI: 4-5 TUỔI
1. Mục đích yêu cầu
a) Kiến thức
– Trẻ biết sử dụng ngôn từ của mình để kể chuyện theo ý thích
– Biết kể chuyện cùng cô
b) Kỹ năng
– Phát triển vốn từ, ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ
– Phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, kỹ năng hoạt động nhóm
c) Thái độ
– Giáo dục trẻ khi qua đường phải nhìn trước, nhìn sau cẩn thận, không có xe đến gần mới được qua đường
2. Chuẩn bị
– Giáo án điện tử
– Nhạc bài hát: Đi đường em nhớ, Đèn xanh đèn đỏ, Em đi qua ngã tư đường phố, Lời cô dặn
– Tranh trò chơi: 3 tranh, hình ảnh nhân vật rời
– Tranh truyện kể chuyện
3. Tiến hành hoạt động
a) Hoạt động mở đầu
– Cho trẻ chơi cùng cô trò chơi “Đèn xanh đèn đỏ”
– Trò chuyện về trò chơi:
+ Các con vừa chơi trò chơi gì?
+ Trò chơi nói lên điều gì?
b) Hoạt động nhận thức
Giới thiệu bài: Khi đi qua ngã tư đường phố sẽ có đèn giao thông, các con phải chú ý, đèn đỏ thì dừng lại và đèn xanh mới được đi. Nhưng dù không có đèn báo hiệu thì các con cũng cần nhìn kỹ xe để qua đường. Nếu không cẩn thận thì sẽ như thế nào? Đến với lớp mình hôm nay, cô có một món quà thật hấp dẫn dành tặng các con
– Cô và trẻ mở quà
– Đây là những bức tranh tự tay cô làm. Từ những bức tranh này, với trí tưởng tượng của cô, cô sẽ kể cho các con nghe một câu chuyện thật hay nói về bạn Thỏ và Nhím
Kể chuyện cho trẻ nghe
– Cô kể chuyện diễn cảm
Thỏ và Nhím là đôi bạn rất thân. Thỏ vốn thông minh nhưng nghịch ngợm hay leo trèo nhảy nhót khắp nơi. Nhím thì hiền lành, chịu khó, tính tình cẩn thận, chắc chắn. Một hôm, Thỏ rủ Nhím ra ven rừng chơi: – Hôm nay trời đẹp quá! Bọn mình ra ven rừng chơi đi, bên kia có nhiều hoa lắm!
Nhím từ chối: – Ven rừng nhiều hoa nhưng lại nguy hiểm lắm đấy Thỏ ạ!
Thỏ láu lỉnh: – Không sao đâu! Bọn mình chỉ dạo chơi thôi mà
Nhím đành chịu lời Thỏ. Đi một đoạn, bác Gấu đang trên đường nhặt củi về, Thỏ và Nhím nhanh miệng: “Cháu chào bác Gấu ạ”
Bác Gấu hỏi ngay: – Các cháu đi đâu đấy?
– Chúng cháu ra ven rừng để chơi ạ?
Bác Gấu nhẹ nhàng: – Vậy à! Cạnh rừng có một con đường chạy qua, bên kia là bãi cỏ rộng nhiều hoa thơm, bướm lượn, trông rất thích mắt, nhưng các cháu nên cẩn thận vì có rất nhiều xe ô tô chạy qua lại đấy!
Thỏ và Nhím cảm ơn bác Gấu và tiếp tục vừa đi vừa ca hát. Đến cạnh ven rừng, Thỏ nói với Nhím: “Chúng mình chạy nhanh qua đường, sang bên kia tha hồ mà hái hoa, bắt bướm.
Vốn tính cẩn thận Nhím nhớ đến lời bác Gấu liền nói: “Bên kia đường là bãi cỏ trống vắng, trên đường lại có ô tô chạy qua, chúng mình đứng ngắm hoa cũng được mà”.
Thỏ mặc kệ Nhím và nghĩ: “Bãi cỏ rộng thế kia, tha hồ mà chạy nhảy, nếu có gì nguy hiểm thì mình chạy nhanh là được.
Nghĩ rồi, Thỏ chạy băng qua đường. Vừa lúc ấy có một chiếc ô tô chạy đến. Thấy Thỏ, ô tô vội phanh thắng két một cái, chân Thỏ bị bánh xe ô tô đè lên thật đau đớn
Thấy Thỏ bị nạn, Nhím vội chạy ra đỡ Thỏ vào lề đường. Thỏ bị một phen hoảng sợ, nó ân hận và khóc vì đã không nghe lời Nhím: Huhu… cái chân của mình, cái chân của mình bị thương rồi, huhu…
Nhím động viên Thỏ: “Từ nay chúng mình cùng phải cẩn thận hơn khi sang đường, phải nhìn sang trái, sang phải, không có xe đến gần mới được qua đường nhé”. Thỏ bẽn lẽn: “Tớ….tớ đồng ý”.
Đàm thoại về nội dung câu chuyện cô vừa kể:
+ Câu chuyện cô vừa kể có những nhân vật nào?
+ Thỏ rủ Nhím đi đâu?
+ Trên đường đi, 2 bạn đã gặp ai?
+ Bác Gấu đã nói gì?
+ Thỏ có nghe theo lời Nhím không? Thỏ đã làm gì?
+ Sau đó Thỏ bị gì?
– Cô sẽ đặt tên cho câu chuyện của mình là “Bài học đáng nhớ”. Vậy bạn nào có thể đặt tên khác cho câu chuyện của cô
– Thêm một bất ngờ dành cho lớp mình, đó là chúng mình cùng trổ tài làm tranh gắn những nhân vật rời mà các con yêu thích. Cô đã chuẩn bị tranh nền và các nhân vật, các con chia thành 3 nhóm và đại diện nhóm lên nhận tranh. Sau khi gắn xong, bằng sự sáng tạo phong phú của mình, các con hãy thảo luận và lên kể lại câu chuyện theo bức tranh của nhóm mình
Bé kể chuyện sáng tạo
– Các nhóm lần lượt lên kể lại câu chuyện của nhòm mình và đặt tên cho câu chuyện
c) Kết thúc: Cho trẻ hát bài hát “Lời cô dặn”.