Website Trường Mầm Non Đại Hòa – Đại Lộc – Quảng Nam

BÁO CÁO SÁNG KIẾN- ĐỀ TÀI: BIỆN PHÁP TẠO HỨNG THÚ CHO TRẺ 4-5 TUỔI THAM GIA TỐT HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ KHOA HỌC- TÁC GIẢ: NGUYỄN THỊ BI- GIÁO VIÊN TRƯỜNG MN ĐẠI HOÀ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BÁO CÁO PHẠM VI ẢNH HƯỞNG, HIỆU QUẢ ỨNG DỤNG CỦA SÁNG KIẾN

1. Tên sáng kiến: Biện pháp tạo hứng thú cho trẻ 4-5 tuổi tham gia tốt hoạt động Khám phá khoa học.
2. Tác giả/đồng tác giả sáng kiến
TT
Họ và tên Nơi công tác (hoặc nơi thường trú)
Chức vụ Điện thoại, Email Tỷ lệ (%) đóng góp vào việc tạo ra sáng kiến
1 Nguyễn Thị Bi Trường mầm non Đại Hòa Giáo viên 0934761902
thibi90@gmail.com 100%
3. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến:
– Nguyễn Thị Bi
– Địa chỉ: Thôn 1, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam
4. Giấy chứng nhận/Quyết định công nhận sáng kiến số: 514/QĐ-UBND ngày 05 tháng 05 năm 2023 của Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc.
5.Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục mầm non
6. Thời điểm sáng kiến được áp dụng lần đầu: Ngày 05 tháng 10 năm 2022
7. Thực trạng trước khi áp dụng sáng kiến
Trẻ mầm non đến trường không chỉ được chăm sóc, nuôi dưỡng, mà còn được thực hiện nhiều hoạt động giáo dục khác nhau trong ngày. Trong đó hoạt động Khám phá khoa học (KPKH) có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển nhận thức của trẻ, giúp trẻ có vốn kiến thức ban đầu về thế giới sự vật, hiện tượng xung quanh. Trẻ mầm non, luôn tò mò, muốn biết, muốn tìm hiểu khám phá về thế giới xung quanh và thường đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu, khám phá những sự vật, hiện tượng mà trẻ nhìn thấy và KPKH là hoạt động đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, khám phá về thế giới xung quanh của trẻ. Thông qua hoạt động KPKH, giáo viên sẽ tạo cơ hội cho trẻ được tìm tòi, khám phá, trải nghiệm để lĩnh hội kiến thức. Tổ chức hoạt động KPKH với các nội dung phù hợp sẽ giúp trẻ có những kiến thức mới, trẻ được tiếp cận với những tri thức tiền khoa học. Với hoạt động KPKH trẻ phải suy nghĩ, bàn luận, thực hành, trải nghiệm để có được kết quả, điều đó đối với người lớn thì nhỏ bé, giản đơn, nhưng đối với trẻ đó là cả một quá trình tư duy, suy nghĩ và khám phá trải nghiệm để có được kiến thức. Là giáo viên mầm non, tôi nhận thấy hoạt động KPKH thực sự đem đến những điều hấp dẫn và thú vị cho trẻ. Việc hướng dẫn cho trẻ thực hiện những thí nghiệm vui, tham gia những trải nghiệm thực tế, sẽ giải đáp được những điều trẻ suy nghĩ, những gì trẻ băn khoăn khi trẻ tham gia hoạt động này.
Năm học 2022- 2023, tôi được nhà trường phân công phụ trách lớp mẫu giáo 4-5 tuổi. Để tổ chức hoạt động KPKH có hiệu quả và tạo được hứng thú cho trẻ khi tham gia hoạt động này, tôi đã khảo sát nắm bắt tình hình của trẻ ngay từ đầu năm học. Qua việc khảo sát đầu năm về khả năng ham hiểu biết, thích khám phá, tìm tòi, khả năng quan sát, so sánh, phân loại, phán đoán, chú ý, ghi nhớ có chủ định và diễn đạt qua lời nói, cử chỉ sự hiểu biết của trẻ về con người, sự vật, hiện tượng xung quanh của trẻ lớp tôi phụ trách, tôi nắm được cụ thể từng trẻ và tình hình học sinh của cả lớp, cụ thể như sau
Tổng số trẻ trong lớp: 30 trẻ
Trẻ có khả năng quan sát, so sánh, phân loại, phán đoán, chú ý, ghi nhớ có chủ định các sự vật hiện tượng gần gũi xung quanh trẻ: 13 trẻ, tỉ lệ: 43%
Trẻ biết diễn đạt qua lời nói, cử chỉ, sự hiểu biết của mình khi quan sát, tìm hiểu về con người, sự vật, hiện tượng xung quanh: 12 trẻ, tỉ lệ: 40%
Trẻ phối hợp cùng bàn tham gia hoạt động nhóm: 13 trẻ, tỉ lệ: 43%
Thực tế hiện nay, việc tổ chức hoạt động KPKH trường mầm non nói chung và đặc biệt là trẻ 4-5 tuổi nói riêng đã được chú trọng và quan tâm, tuy nhiên giáo viên còn ôm đồm nhiều nội dung cho trẻ khám phá trong một hoạt động, nặng về cung cấp kiến thức hơn là tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động khám phá, trải nghiệm và chưa thực sự chú trọng tới việc hình thành các kĩ năng nhận thức cho trẻ, chưa tạo cơ hội cho trẻ được thực hành.
Mặt khác, việc tổ chức hoạt động KPKH đôi lúc còn khô khan, nội dung lựa chọn chưa phù hợp với khả năng của trẻ, chưa thu hút được trẻ tích cực tham gia hoạt động. Đối với trẻ lớp tôi có 50% học sinh chưa học qua lớp mẫu giáo 3-4 tuổi nên những trẻ này lần đầu tiên đến trường còn nhút nhát, ít chủ động tham gia hoạt động cùng cô và bạn đó cũng là rào cản lớn để tôi tổ chức thành công các hoạt động. Phụ huynh lớp tôi thì đa số là nông dân nên việc ít cho trẻ được tham gia các hoạt động trải nghiệm, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên một số phụ huynh ít quan tâm đến trẻ.
Chính vì những lý do trên nên tôi đã chọn đề tài “BIỆN PHÁP TẠO HỨNG THÚ CHO TRẺ 4-5 TUỔI THAM GIA TỐT HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ KHOA HỌC” nhằm thu hút trẻ tham gia vào hoạt động khám phá, từ đó nâng cao kiến thức của trẻ góp phần phát triển toàn diện cho trẻ.
8. Nội dung sáng kiến
Giải pháp 1: Thiết kế, xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học theo hướng lấy trẻ làm trung tâm.
Hiện nay để thúc đẩy sự phát triển tính chủ động, khả năng tư duy cho trẻ và giúp trẻ hứng thú tham gia vào hoạt động một cách tích cực thì giáo viên chú trọng tổ chức các hoạt động theo hướng lấy trẻ làm trung tâm chính là người giáo viên cần quan tâm đến năng lực cá nhân trẻ, nhóm trẻ dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của từng trẻ. Giáo viên cần khai thác, tận dụng triệt để môi trường trong và ngoài lớp học, tăng cường cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, tạo mọi điều kiện tốt về môi trường tâm lý – xã hội và môi trường vật chất để trẻ có cơ hội “Học bằng chơi, chơi mà học”; Đồng thời giáo viên tổ chức các hoạt động nhằm phát triển các giác quan trẻ bằng cách cho trẻ thực hành trải nghiệm, thử nghiệm, thí nghiệm vừa sức của trẻ, đảm bảo an toàn từ đó trẻ có thể ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống của bản thân. Môi trường học tập phong phú, hấp dẫn sẽ thu hút cho trẻ tính tò mò, ham hiểu biết để trẻ tự do trải nghiệm và tìm hiểu.
* Thiết kế, xây dựng môi trường bên trong lớp học
Ở trường mầm non, góc khoa học là một trong những nơi trẻ có thể tự do tìm hiểu, khám phá các đặc điểm, tính chất của sự vật hiện tượng như nam châm có thể hút được những vật nào, tính chất của nước (không mùi, không màu, thẩm thấu, bốc hơi…), các loại hạt giống, hình dạng của gân lá, dầu và nước – cái nào nhẹ hơn, nước biến đi đâu, hoa đổi màu, “trận cuồng phong” trong chai… Trong góc khoa học, trẻ có thể tập trung quan sát, dự đoán, trải nghiệm, sử dụng các “dụng cụ khoa học” và lĩnh hội các khái niệm, các tri thức “tiền khoa học” như chìm – nổi, tan – không tan, nước mặn nặng hơn nước thường… Khi tham gia vào các hoạt động ở góc khoa học, trẻ sẽ học được cách quan sát, so sánh, phân loại, đo lường, ước lượng, suy luận, dự đoán, trẻ biết nhận ra và giải quyết vấn đề, biết lập giả thuyết, đưa ra kết luận, có khả năng mô tả và giải thích những gì khám phá được, có khả năng chia sẻ thông tin thu thập được với người khác. Các kĩ năng này không chỉ giúp ích cho trẻ trong quá trình học ở trường mầm non mà còn được trẻ sử dụng trong suốt cả cuộc đời. Khi hoạt động ở góc khoa học, trẻ còn nhận thức được rằng mọi sự vật luôn có sự thay đổi và những thay đổi này liên quan đến nhau, trẻ biết liên hệ những điều đã biết với những điều mới lạ.
Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và nội dung cho trẻ khám phá khoa học theo từng chủ đề sự kiện trong tháng. Góc khám phá khoa học được bố trí nơi yên tĩnh để tránh làm gián đoạn khi trẻ đang “làm thí nghiệm” và cũng để giúp trẻ tập trung hơn nên tôi bố trí thuận tiện gần vòi nước, bởi vì có nhiều hoạt động thử nghiệm cần dùng nước cũng như cần rửa sạch và dọn dẹp đồ dùng thí nghiệm, tôi bố trí chỗ ngồi thoải mái cho vài trẻ và cả giáo viên. Góc khoa học gần cửa sổ bởi vì có nhiều hoạt động thử nghiệm cần ánh sáng mặt trời (cây cần ánh sáng mặt trời để lớn lên, sự bốc hơi…). Bên cạnh đó, tôi cũng trang bị một tấm bảng nhỏ hoặc tờ giấy trắng A0/A2 dán lên tường để trẻ ghi chú dự đoán, quá trình thử nghiệm hoặc kết quả khám phá của mình. Ngoài ra, tôi trang bị một chiếc kệ nhỏ với các đồ dùng, dụng cụ được sắp xếp ngăn nắp, dán nhãn rõ ràng. Một trong những điều quan trọng khi thiết kế góc khoa học là cần phải sắp đặt các đồ dùng, đồ chơi như thế nào để trẻ thấy được ý tưởng chơi một cách rõ ràng.
Ví dụ : như muốn cho trẻ khám phá dầu ăn và nước, cái nào nhẹ hơn, tôi để riêng trong một khay hoặc một ô kệ các vật dụng như li, chai nước, dầu ăn, muỗng, khăn lau. Hoặc nếu muốn trẻ khám phá bằng cách nào để biến nước bẩn thành nước sạch, tôi để riêng các đồ dùng sau vào một khay/ô kệ – chai nước, than củi, bông gòn, sỏi, cát, li, muỗng, phễu… Tôi thiết kế góc khoa học với các hoạt động đa dạng từ dễ đến khó để phù hợp với khả năng của từng trẻ. Để trẻ thuận tiện hơn khi hoạt động ở góc khoa học, tôi luôn chuẩn bị đầy đủ các nguyên vật liệu, đồ dùng cho hoạt động khám phá, thử nghiệm và cần sắp đặt các đồ dùng này thật đẹp, ngăn nắp, trật tự và mời gọi trẻ chơi. Tôi luôn sắp xếp, bài trí các đồ dùng ở góc khoa học thật hài hòa, không để tình trạng có lúc có quá nhiều đồ dùng ở góc này, có lúc lại thiếu thốn đồ dùng, nguyên vật liệu. Tôi thay đổi thường xuyên các đồ dùng cũng như các hoạt động ở góc khoa học để tăng cường hứng thú cho trẻ. Tất cả các đồ dùng, nguyên vật liệu đều để vừa tầm của trẻ. Ngoài ra, tôi còn dán những hướng dẫn hoặc quy trình của các hoạt động khám phá tại góc khoa học dưới dạng hình ảnh để trẻ có thể tự mình làm theo các hướng dẫn đó.
Để tạo cho trẻ có môi trường và không gian tiếp xúc với các sự vật hiện tượng một cách tốt nhất, tôi đã chú trọng việc xây dựng góc thiên nhiên. Góc thiên nhiên là một công cụ trực quan giúp trẻ làm quen với thiên nhiên, qua đó gia tăng tri thức về thế giới tự nhiên.Một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc trang trí góc thiên nhiên để trẻ có thể dễ dàng tiếp thu gồm: Các thực vật được bày trí trong góc không được quá nhiều, việc đa dạng các thực vật sẽ làm cho trẻ khó khăn trong việc nhận ra các đặc điểm mang tính quy luật của đối tượng trẻ quan sát; Nên hướng dẫn trẻ làm quen các đối tượng trong không gian hẹp trong góc thiên nhiên. Sự thu hẹp khoảng không của các đối tượng tạo ra sự gần gũi với trẻ, trẻ có cơ hội nhìn ngắm và theo dõi sự phát triển, thay đổi của đối tượng hơn. Góc thiên nhiên sẽ được bàn tay bé lao động hằng ngày chăm bón các đối tượng như cây trồng, giúp chúng ngày một phát triển. Qua quá trình lao động quan sát cây mình chăm sóc lớn lên từng ngày đó giúp trẻ tri giác và khám phá từ đó trẻ phát triển tư duy trẻ so sánh, phân tích, tổng hợp, hằng ngày trẻ nhận thấy sự hình thành và phát triển của sự vật hiện tượng và các mối quan hệ trong thiên nhiên như quá trình phát triển của cây từ hạt, sự phát triển của cây từ lá, cây ra hoa, các loại lá có hình dạng, màu sắc khác nhau…
* Tận dụng môi trường bên ngoài cho trẻ tham gia vào hoạt động khám phá khoa học.
Môi trường ngoài lớp học là yếu tố góp phần tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục, phát triển toàn diện trẻ, là điều kiện cần thiết để trẻ có thể phát huy tính tích cực khi tham gia vào hoạt động khám phá khoa học với môi trường tự nhiên.
Môi trường tự nhiên là môi trường giáo dục rất hấp dẫn đối với trẻ. Thông qua hoạt động với thiên nhiên sẽ phát triển ở trẻ năng lực quan sát, khả năng phân tích, so sánh, tổng hợp, phát triển trí thông minh, vốn sống, tình cảm thẩm mỹ, đạo đức. Sân vườn của trường là khu vui chơi và giải trí và tham gia một số hoạt động của trẻ, giúp trẻ làm quen và thích nghi với môi trường bên ngoài. Tôi luôn tìm chọn những địa điểm thực sự gần gũi và gây hứng thú với trẻ dựa trên thực tế nhà trường mình có (sân trường, gốc bàng, vườn rau, vườn hoa…) Trên cơ sở đó đặt ra những tình huống gây bất ngờ để lôi cuốn sự chú ý cho trẻ.
Ví dụ: khi cho trẻ tìm hiểu được các loại rau như rau lang, rau mùng tơi, rau ngót… trong vườn trường có trồng rau xanh trẻ sẽ được đi tham quan, quan sát và tìm hiểu về đặc điểm, công dụng, sự phát triển của các loại rau đó. Sau đó trẻ sẽ được thực hành nhổ cỏ, bắt sâu, tưới nước, chăm sóc cây…; Hay tương tự, khi cho trẻ tìm hiểu một số loại hoa ở vườn hoa. Qua đó, trẻ được trực quan với vật thật nên rất hứng thú tham gia và tiếp thu kiến thức rất tự nhiên.
Việc thiết kế, xây dựng môi trường theo hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ tham gia hoạt động khám phá có tác dụng mạnh mẽ lên trẻ, tạo cho trẻ hứng thú, tò mò, thích tìm hiểu thế giới xung quanh trẻ và từ đó giúp trẻ học tốt môn khám phá khoa học.
Giải pháp 2: Sử dụng các tình huống, kích thích sự tò mò, khám phá của trẻ tham gia tích cực vào Hoạt động KPKH.
Tôi luôn suy nghĩ và tạo ra những tình huốngbất ngờ trong quá trình trẻ tham gia hoạt động và sử dụng các tình huống đó để gợi mở, khuyến khích trẻ tích cực tìm tòi, suy nghĩ tìm cách giải quyết.
Ví dụ: Cô cho trẻ thí nghiệm “Nến cháy được nhờ gì?”:
Mục đích: Trẻ nhận biết không khí có ở xung quanh trẻ. Trẻ biết nến cháy được là nhờ có khí ôxi, khi khí ôxi hết thì nến sẽ tắt.
Chuẩn bị: 2 cây nến, cốc thủy tinh ( cao hơn cây nến).
Tiến hành: Cho trẻ quan sát, gọi tên các đồ dùng cô đã chuẩn bị.
+ Cô thắp 2 cây nến lên. Cô đặt úp cốc thủy tinh lên 1 cây nến. Cho trẻ đoán điều gì sẽ xảy ra với 2 cây nến.
+ Một lát sau cây nến bị úp lọ thủy tinh sẽ bị tắt. Hỏi trẻ tại sao?
Cô giải thích: Nến cháy được là nhờ có khí ôxi, nên cây nến bị úp cốc thủy tinh sẽ không được cung cấp thêm không khí nên khi ôxi trong cốc hết thì nến sẽ tắt, còn cây nến được thắp ở ngoài vẫn có không khí ở xung quanh nên nến vẫn cháy mà không bị tắt.
Tôi chủ động tạo ra tình huống một cách tự nhiên và đòi hỏi trẻ tập trung chú ý, có phản xạ nhanh, các quá trình nhận thức để giải quyết. Tùy thuộc vào nội dung hoạt động, khả năng nhận thức của trẻ mà tình huống đưa ra ở dạng khác nhau như: câu hỏi, lời đề nghị, giao nhiệm vụ, gợi ý,…
Cho trẻ thảo luận, đưa ra vấn đề hoăc tự phát hiện và nêu vấn đề rồi đề xuất cách giải quyết. Tùy theo từng tình huống cụ thể, hình thức thảo luận có thể khác nhau: theo nhóm, cá nhân hoặc cả lớp sau đó giáo viên và trẻ cùng quyết định phương án giải quyết (có thể theo hướng dẫn của giáo viên hoặc theo ý kiến của trẻ), tiếp theo giáo viên và trẻ cùng thống nhất cách giải quyết. Tôi cho trẻ tự tiến hành để trẻ nhận ra kết quả, quá trình trải nghiệm này có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ, có giá trị hơn nhiều so với việc trẻ chỉ quan sát cô giáo tiến hành hoạt động.
Trong quá trình trẻ hoạt động, tôi luôn khuyến khích, tạo cơ hội cho mọi trẻ được tham gia giải quyết các tình huống, luôn chú ý quan sát, phát hiện và có những trợ giúp phù hợp khi trẻ gặp khó khăn nhưng vẫn đảm bảo trẻ là chủ thể giải quyết tình huống. Trong quá trình trẻ cùng cô làm các thí nghiệm, thử nghiệm tôi động viên trẻ để trẻ tham gia vào các hoạt động một cách tự tin và thỏa mái.
Dựa trên khả năng của trẻ, tôi tăng dần độ khó của tình huống và khuyến khích trẻ tham gia giải quyết ở mức độ cao hơn. Tùy thuộc vào kết quả giải quyết tình huống, giáo viên hoặc trẻ là người đánh giá kết quả hoạt động tìm hiểu khám phá của trẻ. Trước khi khái quát kết quả giải quyết tình huống, cô có thể giúp trẻ khái quát kết quả của thí nghiệm hay kết luận sau khi làm thí nghiệm bằng các bảng tổng hợp dưới sự hướng dẫn của cô giáo.
Sau khi tình huống đã được giải quyết, tôi khái quát lại quá trình đó một cách ngắn gọn và mở ra cho trẻ những hướng giải quyết mới (nếu có). Dựa trên bảng tổng hợp mà trẻ đã làm xong để nhận xét rồi chính xác hóa lại những kiến thức mà cô cùng trẻ vừa tìm hiểu. Tuy nhiên có những tình huống sư phạm được trẻ vô tình đặt ra đòi hỏi cô phải có sự giải quyết thỏa đáng, phù hợp nên tôi luôn chuẩn bị rất nhiều tình huống để giải quyết vấnđề nếu có.
Ví dụ : Khi tôi cho trẻ tìm trong lớp có những đồ vật làm bằng các chất liệu thấm nước và không thấm nước, trẻ sẽ kể được rất nhiều đồ vật, tuy nhiên đã có trẻ kể đến chất liệu gỗ, tôi phải giải thích rõ cho trẻ hiểu rằng, gỗ nếu là gỗ thịt nguyên khối lấy từ cây thì rất khó thấm nước nhưng trong thời đại hiện nay người ta sản xuất ra cả các loại gỗ công nghiệp, những loại gỗ này đẹp, dễ sử dụng nhưng lại rất dễ thấm nước và sẽ bị hỏng khi tiếp xúc với nước. Từ đó trẻ sẽ được mở rộng những hiểu biết của mình hơn và cũng từ đó giáo dục trẻ có những ứng xử phù hợp trong cuộc sống hàng ngày như: Tránh làm đổ nước ra sàn nhà bằng gỗ, hoặc khi bị giay nước ra sàn gỗ thì phải lau ngay tránh làm hư hỏng sàn nhà.
Qua việc tạo các tình huống để khơi gợi, khuyến khích trẻ hoạt động tôi thấy nhận thức của trẻ được mở rộng, khả năng quan sát, tri giác của trẻ phát triển tốt đa số trẻ thể hiện được tính tích cực chủ động, trẻ tỏ ra nhanh nhẹn linh hoạt và phát triển nhiều vốn kinh nghiệm, vốn từ của trẻ trở nên phong phú hơn, khả năng diễn đạt tốt hơn.
Giải pháp 3:Sưu tầm, sáng tạo một số trò chơi nhằm tạo hứng thú cho trẻ khi tham gia tốt hoạt động KPKH.
Đối với trẻ mầm non thì việc “Học bằng chơi, chơi mà học” sẽ giúp trẻ tiếp thu những kiến thức một cách dễ dàng và sâu sắc nhất. Sau thời gian trò chuyện, đàm thoại với cô trẻ được hoạt động, được tham gia vào các trò chơi hứng thú. Qua đó, trẻ không chỉ ngồi nghe cô nói và trả lời các câu hỏi của cô mà trẻ còn có cơ hội để bộc lộ các hiểu biết của mình thông qua các trò chơi. Ngoài ra trò chơi còn có tác dụng cũng cố, bổ sung và phát triển thêm các tri thức mà trẻ vừa lĩnh hội, tái tạo lại biểu tượng đã học thông qua những hoạt động thực tiễn. Do đó trò chơi củng cố trong giờ hoạt động khám phá là rất quan trọng. Trò chơi càng phong phú đa dạng bao nhiêu thì các kiến thức trẻ lĩnh hội càng sâu sắc và trẻ càng nhớ lâu bấy nhiêu.
– Ví dụ 1:“Giấy không bị ướt khi tô sáp màu”
Độ tuổi: 4 – 5 tuổi
Số lượng trẻ tham gia: Cả lớp.
Địa điểm chơi: Ngoài trời, sân chơi rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát.
Đồ dùng, đồ chơi: Giấy, sáp màu, nước.
Mục đích: Trau dồi kĩ năng quan sát, định hướng, phân tích tình huống.
– Cách tiến hành:Cho trẻ thực hiện tô màu kín lên giấy trắng. Sau đó đổ nước vào giấy cho trẻ quan sát sẽ không thấy giấy bị thấm nước hay bị ướt.
– Ví dụ 2: “ Mực vô hình từ nước chanh”
Độ tuổi: 4 – 5 tuổi
Số lượng trẻ tham gia: Nhóm trẻ (15- 20 trẻ)
Địa điểm thực hiện: Ngoài trời, sân chơi rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát
Mục đích:Phát triển tư duy, sự phán đoán, ghi nhớ, cách giải thích sự việc cho trẻ và tính tò mò ham hiểu biết.
Chuẩn bị: Nước chanh, giấy trắng, tăm bông, bóng đèn điện.
Tiến hành: Vắt chanh vào bát, cho thêm vài giọt nước, dùng thìa khuấy đều. sau đó dùng tăm bông nhúng vào hỗn hợp nước chanh và dùng nó để vẽ lên tờ giấy trắng. Đợi đến khi nước hỗn hợp chanh khô thì lúc này bức tranh là vô hình. Khi hơ nó nên ngọn đèn điện hoặc lửa hay ánh nắng mặt trời sức nóng sẽ làm cho bức tranh hiện lên. Trẻ sẽ rất hứng thú khi học được thí nghiệm này.
– Ví dụ 3: “Hiện tượng vòi rồng trong lọ”
Số lượng trẻ chơi: Cả lớp.
Địa điểm hoạt động: Ngoài trời, sân chơi rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát.
Đồ dùng, đồ chơi:Nước, lọ thủy tinh trong suốt có nắp đậy. Nước rửa bát, Sequin
Mục đích: Phát triển tính tò mò ham hiểu biết, óc quan sát và khả năng tư duy, dựđoán. Giúp trẻ nhận biết nước có thể chuyển động nhanh quanh xoáy nước.
Cách chơi: Cô cho trẻ đổ đầy nước vào 3/4 bình thủy tinh và thêm vài giọt nước rửa bát, thêm một ít sequin đóng chặt nắp lọ và lắc theo chuyển động xoắn ốc và quan sát. Thấy nước chuyển động nhanh quanh xoáy nước.
Trong quá trình chơi, tôi luôn dựa vào khả năng tiếp thu của trẻ để nâng dần mức độ, yêu cầu của trò chơi bằng cách phức tạp dần yêu cầu của trò chơi, điều kiện chơi, hiệu lệnh, luật chơi để trẻ được thực sự luyện tập, củng cố kiến thức.
Ngoài ra, để dạy trẻ trải nghiệm với khám phá khoa học theo yêu cầu giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tôi luôn thiết kế và tổ chức các trò chơi học tập một cách linh hoạt giữa động, tĩnh phù hợp với khả năng của trẻ và điều kiện cụ thể của lớp, các trò chơi luôn phát huy tính tích cực và phát triển tư duy cho trẻ, đồng thời trò chơi phải phát huy tất cả trẻ được tham gia… Tóm lại trò chơi góp phần rất quan trọng trong việc giúp trẻ tham gia hoạt động một cách tự nhiên, tránh áp lực nặng nề, tạo sự thoải mái, chủ động đồng thời củng cố, rèn luyện khắc sâu kiến thức mà trẻ đã được cô cung cấp.
Giải pháp 4: Cho trẻ làm thí nghiệm đơn giản, phù hợp nhằm giúp trẻ dễ dàng tiếp thu các kiến thức về sự vật, hiện tượng và thế giới xung quanh.
Như chúng ta đều biết, trẻ lứa tuổi mầm non thường học thông qua vui chơi và trải nghiệm. Trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu các kiến thức về thế giới xung quanh thông qua việc “Học bằng chơi, chơi mà học”. Hiểu được vấn đề đó, tôi đã lồng ghép đưa vào lớp học các hoạt động thí nghiệm khoa học vui để trẻ tìm hiểu và học hỏi những điều bổ ích về tự nhiên một cách dễ dàng, từ đó tạo hứng thú, kích thích tính tò mò, ham hiểu biết cho trẻ.
Khi tham gia làm thí nghiệm, trẻ được làm quen với dụng cụ thí nghiệm, các đồ dùng, thành phần làm thí nghiệm.Trẻ cần đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi liên quan đến thí nghiệm, trẻ được giáo viên hướng dẫn và tự thực hiện các bước làm thí nghiệm để tìm ra vấn đề cần khám phá ban đầu. Sau khi thực hành thí nghiệm, trẻ được yêu cầu nói lại quá trình, giải thích hiện tượng để từ đó tự trả lời chính thắc mắc của trẻ. Từ thực hành thí nghiệm, giáo viên có thể nêu một số ứng dụng trong cuộc sống có liên quan đến thí nghiệm hoặc giải thích một số hiện tượng xảy ra trong tự nhiên.
Tôi lựa chọn các thí nghiệm có đồ dùng dễ làm, dễ sử dụng và không đòi hỏi những điều kiện đặc biệt, chọn những hiện tượng thường diễn ra trong cuộc sống xung quanh để làm thí nghiệm, tôi không chọn thí nghiệm đòi hỏi thực hiện cầu kì, khó với trẻ.Tăng cường lựa chọn thí nghiệm dưới dạng trò chơi. Không nên chọn thí nghiệm với thời gian quá lâu vì trẻ dễ quên và khó so sánh với những gì đã xảy ra trước đó.
Chuẩn bị tốt mọi điều kiện để tiến hành thí nghiệm, điều kiện để tiến hành thí nghiệm bao gồm: đồ dùng thí nghiệm, đối tượng thí nghiệm, thời gian, vị trí làm thí nghiệm. Đồ dùng cần gần gũi và bảo đảm an toàn, có thể là: Kính lúp, cân, nam châm, cát, nước, tranh, ảnh, mô hình các con vật, côn trùng, một số loài cây, vật nuôi làm cảnh, các bộ sưu tầm của trẻ, sách về các quá trình khoa học, bảng theo dõi thời tiết, nhiệt kế, các vật liệu có tính chất khác nhau như: Bông, vải, vỏ cây, vỏ động vật hai mảnh,…Các loại thí nghiệm: Đong, đo, cân, sờ tay xem trạng thái, quan sát sự biến đổi về thể tích, khối lượng, sự phát triển…
Khuyến khích trẻ nhận biết mục tiêu của thí nghiệm, nhiệm vụ cần thực hiện để đạt mục tiêu đó, tôi để trẻ đưa ra hướng giải quyết. Đối với các thí nghiệm khó, trẻ không thể tự thực hiện được thì có sự trợ giúp của giáo viên.
Ví dụ: Tận dụng kết quả của thí nghiệm gieo hạt (trẻ biết được hạt có thể nảy mầm thành cây trong đất ẩm) để làm thí nghiệm cây cần ánh sáng (bằng cách úp chậu đất vào một cây còn cây khác giữ nguyên để so sánh kết quả sau 3-5 ngày). Trong quá trình trẻ tham gia làm thí nghiệm, cô quan sát và khuyến khích trẻ đặt ra các câu hỏi rồi cùng thảo luận, tìm ra câu trả lời theo ý hiểu của trẻ. Cô giải thích cho trẻ hiểu nguyên nhân và cùng đi đến kết luận khái quát.
Đối với thí nghiệm có kết quả ngay, giáo viên thực hiện chậm từng bước để trẻ tiện quan sát. Hướng dẫn trẻ quan sát diễn biến của hiện tượng xảy ra trong quá trình thí nghiệm. Cho trẻ so sánh kết quả thí nghiệm với kết quả ban đầu bằng cách yêu cầu trẻ nhớ lại những gì đã quan sát trước đó. (Ví dụ: thí nghiệm dung nhan, thí nghiệm dầu và nước…)
Đối với những thí nghiệm không có kết quả ngay, tôi cùng với trẻ thực hiện phần đầu thí nghiệm và hướng dẫn trẻ lưu lại kết quả của thí nghiệm dưới nhiều hình thức: vẽ tranh, đánh dấu bằng biểu đồ, đo đạc, nhớ lại và kể thành câu chuyện (tôi giúp trẻ ghi lại lời kể) sau đó cho trẻ so sánh với kết quả so sánh ban đầu. Tôi chọn những thí nghiệm có sự thay đổi rõ ràng để trẻ dễ nhận biết và so sánh.
Ví dụ: thí nghiệm tạo màu cho cây cải thảo, thí nghiệm với quả trứng…
Với các thí nghiệm đơn giản, sẽ thu hút sự chú ý của trẻ vào hiện tượng xảy ra và trẻ quan sát, xem xét, thảo luận, giải thích theo suy nghĩ của trẻ. Với các thí nghiệm khó hơn, tôi cùng trẻ tìm ra kết luận sau đó giải thích cho trẻ hiểu nguyên nhân của kết quả sau thí nghiệm.
Ví dụ: “Chiếc cầu vồng kỳ diệu”: cho trẻ đặt chai nước trên tờ giấy trắng, dưới ánh sáng mặt trời sẽ tạo nên cầu vồng trên giấy.Cho trẻ quan sát kỹ cầu vồng, hỏi cầu vồng có những màu gì, tôi gợi ý cho trẻ và giải thích cho trẻ vì sao có cầu vồng. Sau đó giải thích và kết luận cho trẻ hiểu là ánh sáng có thể đi xuyên qua nước vì nước trong suốt. Khi đi qua nước ánh sáng biến thành nhiều màu khác nhau tạo thành cầu vồng. Vì vậy khi trời mưa (có nước) và mặt trời xuất hiện chiếu ánh sánh vào mưa tạo ra cầu vồng ở trên trời.
Từ những thí nghiệm đã thực hiện, trẻ sẽ luôn bận rộnvới việc tìm hiểu những điều thú vị về sự vật, hiện tượng mà mình quan sát được, đồng thời đưa ra dự đoán và câu hỏi về sự vật hiện tượng đó. Khi đặt câu hỏi cũng chính là lúc tư duy của trẻ được mở rộng, kích thích não bộ suy nghĩ.
Giải pháp 5: Phối hợp với phụ huynh để nâng cao chất lượng hoạt động Khám phá khoa học
Việc phối hợp với cha mẹ trẻ trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ là vô cùng cần thiết.Qua việc trao đổi với cha mẹ trẻ sẽ tạo sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình. Khi trao đổi giáo viên cần trao đổi những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện và mang tính thuyết phục.
Ngoài việc giúp các con chủ động sáng tạo trong trong chương trình cũng như cuộc sống tại lớp thì việc các con được học hỏi từ chính gia đình cũng rất hiệu quả. Nắm bắt được điều đó tôi đã chủ động trao đổi với cha mẹ trẻ về nội dung đề tài tôi thực hiện trong năm học để cha mẹ trẻ kết hợp với giáo viên tốt nhất về những nội dung học tập của con trong quá trình thực hiện đề tài ở trên lớp cũng như ở nhà.
Trong bản tin tuyên truyền của lớp tôi dành riêng một góc để đưa nội dung thực hiện trong đề tài của mình để các bậc cha mẹ trẻ cần hướng dẫn các con ở nhà như xây dựng nội dung thực hiện khám phá theo các chủ đề trong năm học từng chủ đề cụ thể cha mẹ trẻ hướng dẫn các con thực hiện nội dung gì.
Cụ thể :
Thông báo từng chủ đề các con đang học để phụ huynh nắm được.
Lên kế hoạch về nội dung thực hiện cần hỗ trợ của bố mẹ trong chủ đề.
Vận động cha mẹ trẻ đóng góp các nguyên vật liệu vỏ hộp, chai lọ, xi măng, cát, hột hạt…để thực hiện các buổi học trải nghiệm, thí nghiệm…của trẻ được phong phú.
Trao đổi trực tiếp để cha mẹ trẻ cần quan tâm, giải thích và cùng làm tại nhà với trẻ khi trẻ có yêu cầu hướng dẫn giúp đỡ những nội dung hoạt động gần gũi với trẻ trong gia đình.
Cha mẹ trẻ hướng dẫn con làm những thử nghiệm đơn giản gần gũi với đời sống hàng ngày để trẻ dễ nắm bắt được kiến thức và dễ nhớ.
Giúp trẻ báo cáo kết quả trò chơi, thí nghiệm ở nhà con đã làm được gì giúp trẻ mô tả cho cô và các bạn cùng nghe.
Thường xuyên động viên giúp đỡ để trẻ chủ động thực hiện những nội dung cô yêu cầu. Sau mỗi lần cho trẻ thực hành trên lớp tôi thông báo nội dung và kết quả kịp thời để cha mẹ trẻ giúp củng cố giải thích thêm cho trẻ nhất là những trẻ còn rụt rè còn hạn chế về ngôn ngữ.
Hình thức :
Mời cha mẹ trẻ cùng tham gia vào các hoạt động chơi, hoạt động học của con ở lớp ở trường như dự giờ học của con, tham gia trải nghiệm cùng các con…
Thông qua góc tuyên truyền của lớp, tôi đã gửi trực tiếp những nội dung về kế hoạch các con thực hiện trong tuần qua hệ thống tin nhắn tới cha mẹ trẻ để cha mẹ trẻ nắm bắt chuẩn bị đủ đồ dùng vật liệu cùng cô.
Để phụ huynh quan tâm đến việc học của trẻ, tôi thường xuyên đưa các hình ảnh, hay những đoạn video trẻ tham gia hoạt động ở trường, lớp qua trang zalo của lớp để phụ huynh xem, qua đó phụ huynh rất chú ý quan tâm và trao đổi cùng cô các vấn đề cần hỗ trợ cho trẻ khi trẻ ở nhà.
Trao đổi trực tiếp với cha mẹ trẻ trong các giờ đón trả trẻ các buổi tuyên truyền của nhà trường hoặc các buổi họp cha mẹ trẻ của lớp.
Sau khi thực hiện các nội dung phối kết hợp và tuyên truyền với cha mẹ trẻ trong quá trình học tập của các con và quá trình thực hiện đề tài tôi đã đạt được kết quả đáng kể.
100% cha mẹ trẻ trong lớp ủng hộ kế hoạch thực hiện đề tài của giáo viên.
Rất nhiều cha mẹ trẻ nhiệt tình ủng hộ cô và các con, rất phấn khởi khi thấy trẻ được tham gia vào nhiều hoạt động thực tế gần gũi với trẻ. Nhờ có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo viên và cha mẹ trẻ mà những giờ hoạt động khám phá khoa học đạt được những mục tiêu đề ra của giáo viên và của trẻ. Nội dung các hoạt động trở nên phong phú và hấp dẫn hơn, từ đó mà tiết học khám phá của trẻ đạt hiệu quả cao trẻ rất hứng thú và sôi nổi trong giờ học.
9. Hiệu quả mang lại
– Đối với trẻ:
Từ việc áp dụng các giải pháp tạo hứng thú cho trẻ tham gia tốt hoạt động KPKH, tôi đã thu được kết quả sau:
Các kỹ năng của trẻ Tổng số trẻ

Kết quả
Số lượng Tỷ lệ
Hứng thú tham gia hoạt động KPKH 30 30/30 100%
Phát triển ngôn ngữ 30 29/30 97%
Kỹ năng quan sát,phán đoán 30 30/30 100%
Kỹ năng suy luận 30 29/30 97%
Trẻ rất hứng thú tập trung chú ý trong hoạt động, ghi nhớ chính xác các kiến thức, phát triển khả năng tư duy cao.
Trẻ có kiến thức ban đầu về môi trường xung quanh.
Trẻ không chỉ mạnh dạn tự tin đưa ra những phán đoán, suy luận của mình về các hiện tượng mà còn diễn đạt mạch lạc, rõ ràng suy nghĩ và hiểu biết của mình về các sự vật hiện tượng, bắt đầu có những lý giải cho những suy đoán của mình về các sự vật hiện tượng.
– Đối với giáo viên:
Giáo viên có thêm nhiều giải pháp, kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động giúp trẻ học tốt hoạt động Khám phá khoa học đạt hiệu quả. Giáo viên tự tin hơn, gần gũi, hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ hơn trong quá trình tổ chức các hoạt động Khám phá khoa học.
Phụ huynh có sự thay đổi nhìn nhận về vấn đề giáo dục trẻ tại trường mầm non, từ đó có sự phối hợp với giáo viên và nhà trường. Đồng thời có thêm kỹ năng, phương pháp, cách thức dạy con hợp lý và hiệu quả hơn.
Qua các biện pháp tôi đã chia sẽ cho chị em đồng nghiệp áp dụng đã được các đồng nghiệp đánh giá cao.
Giáo viên chủ động, linh hoạt hơn khi tổ chức các hoạt động cho trẻ, đặc biệt là các hoạt động cho trẻ Tìm hiểu khám phá.
Giáo viên có nhiều kinh nghiệm khi dẫn dắt trẻ, tạo hứng thú cho trẻ trong các hoạt động cũng như trong hoạt động KPKH nói riêng.
Sáng kiến kinh nghiệm này phù hợp với chương trình giáo dục mầm non mới hiện nay nhằm hướng đến việc tạo hứng thú cho trẻ trong các giờ học tìm hiểu khám phá, nhằm phát huy được cao nhất tính tích cực, chủ động và sáng tạo của trẻ.
10. Đánh giá phạm vi ảnh hưởng của Sáng kiến:
Với nội dung của sáng kiến rất gần gũi và phù hợp với thực tế nên có thể áp dụng rộng rãi trong các trường mầm non trên địa bàn huyện và trong tỉnh. Riêng tại đơn vị tôi đang công tác, sáng kiến đã được nhân rộng trong nhà trường và đã được áo dụng có hiệu quả.
Tôi xin cam đoan mọi thông tin nêu là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Xác nhận của cơ sở
công nhận sáng kiến Đại Hòa, ngày 10 tháng 05 năm 2023
Tác giả nộp đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)

Nguyễn Thị Bi

XÁC NHẬN CỦA ĐƠN VỊ ỨNG DỤNG/CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

Cảm nhận của Phụ huynh

Anh Võ Thành Hưng – Phụ huynh bé: Võ Gia Huy – Lớp nhỡ

ôi chưa từng thấy một ngôi trường mầm non nào có sân chơi rộng rãi – sạch sẽ – thoáng mát và nhiều trò chơi bổ ích như ngôi trường mầm non này ! Thật là bất ngờ thú vị , nó giống như một công viên thiếu nhi thực thụ ! Hàng ngày mỗi buổi sáng , tôi đều cùng bé Gia Huy chơi đùa dưới sân trước giờ học, bé rất thích thú và học hỏi được nhiều điều mới lạ. Và từ một đứa bé rụt rè nhút nhát, đến nay, sau hơn 4 tháng học tập vui chơi ở đây, bé đã được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần lên rất nhiều !